Tin tức

Tư liệu [Quỹ Giáo Dục Hãn Nguyên]

QUÁ TRÌNH XÁC LẬP CHỦ QUYỀN VÀ PHẢN BÁC CÁC LUẬN DIỂM CỦA TRUNG QUỐC VỀ CHỦ QUYỀN TẠI HOÀNG SA & TRƯỜNG SA

  • Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, tiến sĩ sử học

 

+“Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa”  chính là Đề tài của Luận án tiến sĩ của tôi tại Đại Học Quốc Gia TP.HCM, năm 2003 với 211 tài liệu tham khảo trong đó có nhiều tài liệu gốc của Việt Nam cũng như của các nước Phương Tây và cả của Trung Quốc

Luận án này đã được dịch ra Tiếng Anh và có trong hồ sơ tư liệu với  nhan đề: “ Việt nam’s Sovereignty over the Paracels & Spratlys Islands- A History in Documents”. Đại Học Quốc Gia TP.HCM sẽ xuất bản tư liệu này  vào năm 2017.

+ Ngoài ra cuốn sách “Những bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa” do Nxb Giáo Dục Việt Nam xuất bản năm 2013 cũng đã được nhà quản lý thư viện Lâm Vĩnh Thế tại một  trường đại học ở Canada   đã dịch ra Tiếng Anh, đang vận dộng các nhà xuất bản trên thê giới xuất bản.

 

 Tôi cũng đã gửi cho Ban Tổ chức Hội thảo này hai tác phẩm trên  và mong được các nhà nghiên cứu tìm đọc, nhất là mong sau này được dịch ra Tiếng Nhật để người Nhật biết rõ sự thật về chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa ra sao hầu cùng nhau bảo vệ sự thật lịch sử, quyết không thể để tình trạng nói sai sự thật lịch sử như hiện nay về chủ quyền tại hai quần đảo này.

 

+Còn vấn đề ‘ phản bác các luận điểm của Trung Quốc về chủ quyền tại Hoàng Sa & Trường Sa” cũng là đề tài tôi tham dự các hội thảo về  chủ quyền biển đảo tại Việt Nam và cũng có đề cập trong luận án tiến sĩ trên của tôi, nay lại hân hạnh tham gia trong hội thảo này.

 

 Tôi xin tóm tắt sơ lược nội dung luận án tiến sĩ về “quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa” và toàn bộ nội dung bài tham luận “phản bác các luận điểm của Trung Quốc về chủ quyền tại Hoàng Sa & Trường Sa”.

 

 

  1. Trước hết tóm tắt nội dung chủ yếu của   luận án tiến sĩ về “quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa” cụ thể như sau:

 

+ Một là  Chưa hề có nước nào như ở Việt Nam, chính sử, sách điển chế, sách địa lý ghi rõ việc xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa trong đó có  Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789) do các sử thần thời Lê - Trịnh biên soạn theo lệnh của Trịnh Sâm năm 1775,

 

có đoạn viết:... “Đặt đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh xung vào đội ấy, cắt lượt nhau đi thuyền đến đảo mò tìm sản vật. Mỗi năm cứ tháng ba ra đi, mang lương ăn sáu tháng, đi thuyền ra biển ba ngày ba đêm mới đến đảo. Ở đấy tha hồ tìm nhặt, được sản vật gì, bao nhiêu, đến kì tháng Tám thuyền cửa Eo, đem đến Phú Xuân nộp …”.

 

… “Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên… 

      Lễ Khoa lề Thế Lính Hoàng Sa tại  Huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi

 

Sang  triều Nguyễn từ năm 1802 đến 1909, năm bắt đầu bị tranh chấp, có rất nhiều tài liệu chính sử, sách điển chế, sách địa lý minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như  Dư địa chí (1821) của Phan Huy Chú.

Ngoài tả cảnh vật của Hoàng Sa, ông cho biết: “Tiền Vương lịch triều (các chúa Nguyễn) đặt đội Hoàng Sa 70 tên cũng lấy dân An Vĩnh luân phiên sung vào.

 Hoặc Hoàng Việt dư địa chí (1833) không đề tên tác giả, thường gọi là cuốn Địa dư Minh Mạng được khắc in vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833), sau đó được tái khắc in nhiều lần. Người ta thấy nội dung có nhiều điều giống Dư địa chí, song đôi chỗ có khác nhau về từ hoặc thêm, bớt và nhất là cách trình bày.

 Hoặc Đại Nam thực lục phần tiền biên quyển 10, soạn năm 1821 khắc in năm 1844 của Quốc sử quán triều Nguyễn tiếp tục khẳng định việc xác lập chủ quyền của Đại Việt cũng bằng hoạt động của đội quân Hoàng Sa và đội Bắc Hải.

Hoặc  Đại Nam thực lục chính biên (đệ nhất kỷ khắc in năm 1848, đệ nhị kỉ khắc in xong năm 1864, đệ tam kỉ khắc in xong năm 1879) của Quốc sử quán triều Nguyễn có cả thảy 11 đoạn viết về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều nội dung mới, phong phú, rất cụ thể về sự tiếp tục xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo này.

Hoặc Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (1851) có đoạn văn đề cập đến việc dựng miếu ở Hoàng Sa trong quyển 207, và đoạn văn trong bộ sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ quyển 221 của Nội các triều Nguyễn có chép: “Bộ Công tâu rằng: Hoàng Sa ngoài biển rất là hiểm yếu. Hàng năm cần phải đi khám dò khắp chỗ thuộc đường bể. Lại từ năm nay trở về sau, mỗi khi hạ tuần tháng giêng, chiếu theo lệ ấy mà làm”.

 Trong bộ sách Đại Nam nhất thống chí (soạn xong năm 1882, năm 1910 soạn lần hai và khắc in) cũng của Quốc sử quán triều Nguyễn đã xác định Hoàng Sa thuộc về tỉnh Quảng Ngãi và tiếp tục khẳng định hoạt động đội quân Hoàng Sa và đội quân Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản.

 Trong quyển III Quốc triều chính biên toát yếu của Quốc sử quán triều Nguyễn, đời vua Minh Mạng, có ba đoạn văn liên quan đến việc xác lập chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa.

Ngoài ra trong các bản đồ của Việt Nam như Đại Nam thống nhất toàn đồ có vẽ Hoàng Sa và Vạn lí Trường Sa trong cương vực của Việt Nam...

 

+ Hai là chưa hề có nước nào như ở Việt Nam, qua châu bản, văn bản chính quyền  từ trung ương đến địa phương ghi rõ việc xác lập và hành xử chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Ở đó người ta tìm thấy những bản tấu, phúc tấu của các đình thần các bộ như bộ Công, và các cơ quan khác hay những Dụ của các nhà vua về việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn như việc vãng thám, đo đạc, vẽ hoạ đồ Hoàng Sa, cắm cột mốc…

 Chẳng hạn như Phúc tấu của Bộ Công ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836 ) trong tập châu bản Minh Mạng 55 trang 336, ghi lời châu phê của vua Minh Mạng: “Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4, 5 thước, rộng 5 tấc, khắc sâu hàng chữ: “Năm Bính Thân (Minh Mạng thứ 17), họ tên cai đội thủy quân phụng mệnh đi đo đạc, cắm mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu”. Vua cũng phê rằng “thuyền đi đâu, phải cắm cột mốc đến đó để lưu dấu. Phúc tấu cũng còn ghi chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật được phái từ Thuận An  vào Quảng Ngãi để đi công tác Hoàng Sa”.

 

+ Ba là chưa hề có nước nào như ở Việt Nam, lại có nhiều tư liệu phương Tây từ thế kỷ 19 trở về trước ghi rõ việc xác lập và hành xử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Có thể nêu ra đây một số tài liệu chính như: Hồi ức về Nam Kỳ (Le Mémoire sur Cochinchine) của Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) viết vào các năm cuối đời Gia Long (hoàn tất năm 1820) đã khẳng định năm 1816 vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Paracels.  

 

Thế giới, lịch sử và mô tả về tất cả các dân tộc cùng tôn giáo, cách cư xử và tập quán của họ (Univers, histoire et description de tous les peuples, de leurs religions, moeurs et coutumes) của Giám mục Taberd xuất bản năm 1833 cho rằng hoàng đế Gia Long chính thức khẳng định chủ quyền trên đảo Hoàng Sa năm 1816.

 Tạp chí Hiệp hội châu Á Bengal quyển VI (The Journal of the Asiatic Society of Bengal, Vol VI) đăng bài của Giám mục Taberd xác nhận vua Gia Long chính thức giữ chủ quyền quần đảo Paracels.  Tạp chí Hiệp hội Địa lý Luân Đôn năm 1849 (The Journal of Geographycal Society of London) đăng bài của GutzLaff ghi nhận chính quyền An Nam lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế ở Paracels…

 

- Ngoài ra, gần đây người ta còn phát hiện gần  trăm đầu sách địa lý, bản đồ của phương Tây ghi rõ Paracel  thuộc “Vương quốc An  Nam”, được viết bằng các thứ tiếng Ý, Pháp, Đức, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan...

+-Đó là chưa kể chính những tài liệu của Trung Quốc như các bản đồ cổ Trung Quốc do chính người Trung Quốc vẽ từ năm 1909 trở về trước đều minh chứng Tây Sa và Nam Sa chưa thuộc về Trung Quốc. Tất cả các bản đồ cổ của Trung Quốc do người Trung Quốc vẽ không có bản đồ nào có ghi các quần đảo Tây Sa, Nam Sa. Tất cả các bản đồ ấy đều xác định đảo Hải Nam là cực nam của biên giới phía Nam của Trung Quốc. …. 

 

+Bốn là chưa hề có nước nào như Việt Nam mà người phương Tây đã vẽ bản đồ xác định rất rõ “Paracel tức Hoàng Sa” và ghi chú Hoàng Sa thuộc xứ Đàng Trong của Vương quốc An Nam tức Việt Nam

 

 

   (Bản đồ 1) An Nam Đại quốc họa đồ

  

(Bản đồ 2) Carte des Costes de Cochinchine, Tunquin et Partie de celles de la Chine (Harreveld, E. Van Changuion, Amsterdam, 1749có vẽ tọa độ, quần đảo Paracels trải dài từ vĩ tuyến 17 xuống vĩ tuyên 12.

 

 

                        

  1. Tiếp theo xin được trình bày nội dung về “phản bác các luận điểm của Trung Quốc về chủ quyền tại Hoàng Sa & Trường Sa.

 Bài viết dài hơn 50 trang, xin đưa vài ý quan trọng để phản bác các luận  điểm của Trung Quốc cho rằng chủ quyền của Trung Quốc tại Tây Sa (Paracel) và Nam Sa ( Spratly) là bất khả tranh nghị hay thuộc Trung Quốc từ thời cổ  đại hay phát hiện sớm nhất, kinh doanh sớm nhất, quản hạt sớm nhất:

 

+Sự thật lịch sử sẽ được thấy rõ khi chỉ cần nhấn mạnh vào năm 1909, Trung Quốc bắt đầu tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, Chính Quyền Quảng Đông đưa ra luận điểm Paracel là đất vô chủ (res-nullius, tác giả nhấn mạnh), bắt đầu tổ chức chiếm hữu theo cách của Phương Tây như cho tàu chiến bắn 21 phát súng, cắm cờ, cắm cột mốc chủ quyền tại các đảo ở Paracel và đặt tên là Tây Sa. Trong khi ấy, Tổng lãnh sự Pháp Bauvais ở Quảng Châu khuyến cáo Bộ ngoại giao Pháp vì lợi ích của Pháp không nên lên tiếng phản đối.

 Hoặc trước đó vào năm 1898, khi Công sứ Anh ở Bắc Kinh và Lãnh sự Anh ở Hải Khẩu can thiệp với chính quyền Hải Nam đã tịch thu số đồng từ tàu bị đắm bị dân Hải Nam hôi của đem đi bán, tàu Đức Bellona năm 1895 và tàu Nhật Unofi-Maru (hoặc Inogu-Maru hoặc Umegu-Maru hoặc Hunoji-Maru hoặc Imezi-Maru) năm 1896, thì chính quyền Hải Nam đã tuyên bố Paracel là vô chủ, không thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

 

+Ngay từ tên Nam Sa,từ năm 1935, để phản ứng hành động của chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam, Trung Quốc mới bắt đầu dịch hết các tên hải đảo ở Biển Đông và gọi Nam Sa là quần đảo Macclessfield. Đến năm 1947, Trung Quốc mới gọi Nam Sa để chỉ Trường Sa của Việt Nam tức quần đảo Spratly.

 

+ So với trước năm 1949, Trung Quốc đã bắt đầu quan tâm hơn đến luận điểm  cho rằng chủ quyền về Hoàng Sa của Trung Quốc đã có từ lâu đời, với nhiều luận cứ, luận chứng phi lịch sử, không phù hợp với pháp lý quốc tế.

 Sau khi dùng vũ lực một cách bất hợp pháp  cưỡng chiếm Hoàng Sa vào trung tuần tháng giêng năm 1974, Trung Quốc đã cố gắng tìm kiếm tài liệu để cố gán ghép bằng cách cắt xén, nếu cần thì  xuyên tạc với sự đóng góp của các nhà học giả như Sử Lệ Tổ đưa ra luận điểm cho rằng “các đảo Nam Hải từ cổ xưa đến nay là lãnh thổ Trung Quốc”, do nhân dân Trung Quốc “phát hiện sớm nhất”, “kinh doanh sớm nhất”, do chính phủ các triều đại Trung Quốc “quản hạt sớm nhất” và viện dẫn nhiều tài liệu lịch sử mang tính suy diễn để dẫn chứng (Quang Minh nhật báo, 24 tháng 11 năm 1975).

=>+Đọc kỹ và phân tích văn kiện ngoại giao và bộ tư liệu của các nhà nghiên cứu Trung Quốc như Nhóm Hàn Chấn Hoa cũng như một số các học giả Trung Quốc, người ta thấy rất rõ những thủ thuật cắt xén, hoặc suy diễn chủ quan, thiếu cơ sở khoa học để minh chứng chủ quyền của Trung quốc hoặc với quan niệm “phi lịch sử” hay không có cơ sở pháp lý quốc tế để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc hay để phản bác các tài liệu lịch sử của Việt Nam.

Xin đưa vài ví dụ cụ thể :

=>Trung Quốc đã cố gắng tìm ra địa danh có trong lịch sử  Trung Quốc để cố gán ghép cho  quần đảo Tây Sa như Cửu Nhũ Loa Châu, vốn là  một hòn đảo ven biển Trung Quốc. Vả lại ngay  như tài liệu Trung Quốc viện dẫn, chính Cửu Nhũ Loa Châu lại ở phía Đông của Nhai Châu của đảo Hải Nam như tấm bản đồ Quảng Đông Dương Đồ trong sách Dương Phòng Tập Yếu hoặc Thất Châu Dương chép trong một số sách như Tuyền Châu Phủ Chí (đời Thanh) hoặc trong sách Độc Sử Phương Dư Kỷ Yếu, vốn chỉ cách huyện Văn Xương của Hải Nam  về phía Đông 100 dặm. Trong khi đó, phía Đông của đảo Hải Nam lại không  phải là quần đảo Tây Sa.

 

=> Có phải Trung Quốc khẳng định các đảo Nam Hải đã thuộc phạm vi quản hạt của Trung Quốc từ năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường năm 789. 

Đúng sử sách Trung Quốc như sách Chư Phiên Chí của Triệu Nhữ Quát có chép những thay đổi về qui chế hành chính từ đời Hán đến đời Tống, trong đó có việc Quỳnh Sơn, một quận của  đảo Hải Nam thời đó ( xin nhấn mạnh) (nay  thuộc thành phố Hải Khẩu)  được đặt thành “phủ đô đốc” vào năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường tức năm 789.

Nhưng qua các sách Đường Thư, Thái Bình Hoàn Vũ Ký, Dư Địa Kỷ Thăng (1221), Quảng Đông Thông Chí (1842) thì vào năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên  đời Đường tại đảo Hải nam, chỉ thấy có chuyện kể viên đô đốc nhà Đường là Lý Phục mang quân sang lấy lại đảo Hải Nam sau hơn 100 năm dân bản địa nổi dậy làm chủ đảo và xin vua Đường đặt phủ đô đốc ở quận Quỳnh Sơn, không hề có chuyện “sáp nhập bất kỳ đảo ở biển Nam Trung Hoa vào đảo Hải Nam”.  

          

  • Có phải Trung Quốc phái thủy quân đi “tuần tiễu”, Trung Quốc đã viện dẫn các sự kiện để chứng minh.

Đó là việc triều đình Bắc Tống “đặt định thủy quân tuần tiễu” ở Quảng Châu, chép trong Vũ Kinh Tổng Yếu của Tăng Công Lượng đời Tống (960-1279, việc viên tướng nhà Nguyên đi qua “Thất Châu Dương, Vạn Lý Thạch Đường” trên đường đi đánh Java năm 1293 , chép trong Nguyên Sử, hay việc chính quyền Quảng Đông phái binh thuyền ra biển phòng ngự, chép trong Quảng Đông Thông Chí của Vương Tá, đời Minh (1368-1644); việc viên phó tướng Quảng Đông Ngô Thăng đi tuần từ Quỳnh Nhai đến Tứ Canh Sa khoảng năm 1700-1712, chép trong Tuyền Châu Phủ Chí của Hoàng Nhiệm, đời Thanh (1616-1911).

+Trước hết về luận cứ "phái thủy quân tuần tiễu cương giới biển", luận chứng của Nhóm Hàn Chấn Hoa cũng như các học giả khác nói theo, chỉ dựa vào một đoạn trong sách Vũ Kinh Tổng Yếu, với nội dung như sau:

"Quận Nam Hải thuộc Quảng Châu là đất Bách Việt xưa đều là nơi người Man, người Đản cư trú. Từ đời Hán về sau đặt thành quận huyện. Đời Đường đặt làm Thanh Hải quân tiết độ. Bản Triều dẹp Lưu Xương, lại đặt phương trấn, làm một nơi  đô hội, nắm binh giáp, giặc giã mười sáu châu, người Phiên, người Hán ở lẫn lộn.

Sai quân nhà vua ra trấn giữ, đặt dinh lũy thủy quân tuần biển ở hai cửa biển Đông và Tây, rộng 280 trượng cách đồn Môn Sơn 200 dặm. Đóng tàu chiến kiểu đao ngư. Nơi đó (nơi đặt dinh lũy thủy quân) phía Đông Nam đến biển cả 40 dặm, phía Đông đến Huệ Châu 420 dặm, phía Tây đến Đoan Châu 240 dặm, phía Nam đến An Châu 750 dặm, phía Bắc đến Thiều Châu 250 dặm. Đường biển về phía Đông Nam 400 dặm. Đến đồn Môn Sơn 20 dặm, ngày có thể đi 50 dặm, cộng là 200 dặm…

Từ Đồn Môn Sơn dùng gió Đông đi về phía Tây Nam bảy ngày đến Cửu Nhũ Loa Châu, ba ngày nữa đến Bất Lao Sơn (thuộc địa giới nước Hoàn Châu - nguyên chú thích của tác giả), lại đi ba ngày nữa về phía Nam đến phía Đông Lăng Sơn (có nước ngọt - nguyên chú thích của tác giả) . Đi nữa về phía Tây Nam là các nước Đại Thực, Phật Sư Tử, Thiên Trúc không tính được hành trình"

=> Phân tích những đoạn văn  chứng minh được lập luận "Trung Quốc phái thủy quân tuần tiễu quần đảo Tây Sa  bắt đầu đời Tống”.

=>Trước hết nhóm Hàn Chấn Hoa đã cố gán ghép hai đoạn văn vào với nhau gồm đoạn văn nói về lộ trình "Từ đồn Môn Sơn đến các nước Đại Thực, Phật Sư Tử, Thiên Trúc” tiếp liền vào đoạn văn đầu viết về  "đặt dinh lũy thủy quân tuần tiễu ở hai cửa biển Đông và Tây" . Điều này không đúng với nguyên bản Vũ Kinh Tổng Yếu . Đây chỉ là sự cố gán ghép "đầu Ngô mình Sở" để cố minh chứng việc tuần tiễu thủy quân đời Tống qua đất "Cửu Nhũ Loa Châu" mà nhóm này cho là Tây Sa. Song ngay địa danh Cửu Nhũ LVề việc chính quyền Quảng Đông đốc phái binh thuyền ra biển phòng ngự, nhóm Hàn Chấn Hoa dẫn sách Quảng Đông Thông Chí của Hoàng Tá đời Minh có đoạn viết rằng :"Đốc phái binh thuyền ra biển phòng ngự …  Từ cửa Nam Đình,(thuộc  huyện Đông Hoàn) ra khơi  đến ba biển Ô Chư, Độc Chư, Thất Châu lấy kim la bàn (hướng) Khôn Mùi đến Ngoại La” . Để từ đó nói rằng từ đời Minh, Thanh trở đi, vùng biển quần đảo Tây Sa, Nam Sa vẫn được đặt vào phạm vi tuần tiễu của thủy quân (Trung Quốc) .

=>Xem đoạn văn trích dẫn trên, người ta thấy nội dung tới từ hai sách khác nhau.

Trong Quảng Đông thông chí, người ta chỉ thấy một đoạn như sau :"Cướp biển có ba đường, đặt quân quan chống Ủy (Nhật Bản) để phòng thủ, cuối Xuân đầu Hạ, khi gió thổi đốc phái binh thuyền ra biển phòng ngự. Đường giữa từ Nam đầu Thành, huyện Đông Hoàn, ra cửa Phật Đường, cửa Chữ Thập, Lãnh Thủy Giác, các vùng biển" . Tác giả chép việc tuần phòng vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Đông để chống nạn cướp biển Nhật Bản.

 Còn trong Hải Ngữ  của Hoàng Trung (1563) thì chép:

"Nước Xiêm La ở trong Biển Nam. Từ cửa Nam Đình (thuộc huyện) Đông Hoàn ra khơi, đi về phía nam đến Ô Chư, Độc Chư, Thất Châu (chú giải của tác giả : tên ba biển), kim la bàn (hướng) Khôn - Mùi đến Ngoại La (Cù Lao Ré), kim Khôn-Thân, 45 trình đến cảng cũ Chiêm Thành (Qui Nhơn ngày nay), qua Đại Phật Linh Sơn (Mũi Đại Lãnh), trên có đài đốt lửa là thuộc Giao Chỉ, kim Mùi đến Côn Lôn Sơn (Côn Đảo ngày nay), lại kim Khôn-Mùi đến Đồi Mồi Châu, đồi mồi ở Qui Sơn, kim Dậu vào cảng Xiêm La" .  Tác giả chép đường biển từ cửa Nam Đình (cửa sông Châu Giang) đến Xiêm La, tức Thái Lan ngày nay. Như thế, các tác giả Bộ sưu toa Châu cũng không có bằng chứng nào chắc chắn là Tây Sa, trong khi có nhiều bằng chứng như đã trình bày chỉ là nhóm hòn đảo ven bờ biển Trung Quốc.  Vả lại, không chỉ có Cửu Nhũ Loa Châu mà còn có những nơi  khác cũng được đề cập trong lộ trình đến các nước Đại Thực, Thiên Trúc… chẳng lẽ lại cũng thuộc về lãnh thổ Trung Quốc hay sao? Đây là điều thật phi lý.

=>

 

Tư liệu [Quỹ Giáo Dục Hãn Nguyên]

Tư liệu [Quỹ Giáo Dục Hãn Nguyên]

Tư liệu [Quỹ Giáo Dục Hãn Nguyên]

Tư liệu [Quỹ Giáo Dục Hãn Nguyên]

Tư liệu [Quỹ Giáo Dục Hãn Nguyên]

Tư liệu [Quỹ Giáo Dục Hãn Nguyên]